VÁN KHUÔN ĐỊNH HÌNH

Ván khuôn luân lưu (ván khuôn định hình) là những bộ ván khuôn chế tạo định hình thành từng bộ, từng tấm tiêu chuẩn trong các nhà máy hoặc công xưởng. Khi đưa rất thi công ở công trường người công nhân liên kết các tấm hoặc bộ phận với nhau bằng các phụ kiện thành hình dáng chuẩn xác để làm khuôn đổ bê tông. Sau khi bê tông đạt cường độ cho phép, ván khuôn được tháo ra dùng cho những kết cấu và công trình khác.
Ván khuôn luân lưu được chế tạo thành cấu kiện (tấm khuôn, hoặc lắp ghép từ các tấm khuôn thành hộp khuôn…) để lắp vào công trình. Ván khuôn luân lưu dịch chuyển theo chiều cao (ván khuôn treo, ván khuôn leo) nâng lên từng chu kỳ theo chiều cao đổ bê tông. Khi bê tông đạt cường độ cho phép, tháo ván khuôn ở đợt dưới, lắp lên đợt trên.
+ Kết cấu của ván khuôn luân lưu cho phép dùng được nhiều lần; ngoài ra, còn có thể tháo cục bộ ván khuôn để sử dụng vào chỗ khác (như tháo ván khuôn cột, ván khuôn dầm… là những bộ phận chỉ chịu lực xô ngang).
Trong thiết kế việc xác định kích thước của các tấm ván khuôn cần phải xem xét một số yêu cầu sau:
- Số lượng mối nối phải ít nhất và đơn giản;
- Số loại tấm phải tối thiểu cho một kết cấu xây dựng;
Tấm ván khuôn luân lưu, tùy thuộc vào tính chất của kết cấu ván khuôn, vào phương tiện vận chuyển để sử dụng cho công trình xây dựng, được chia ra như sau:
+ Tấm ván khuôn kích thước bé, lắp tháo bằng thủ công trọng lượng dưới 70kg;
+ Tấm ván khuôn kích thước lớn, lắp tháo bằng cơ giới. Ván khuôn tấm lớn có thể gia công nguyên tấm, hay lắp ghép từ các tấm bé với hệ thống gông - sườn để thành tấm lớn.
Thông thường người ta chỉ sản xuất loại tấm có trọng lượng khoảng 25 – 40 kg cho một tấm để lắp ghép bằng thủ công. Nếu lắp ghép bằng cơ giới thì trọng lượng mỗi tấm gần bằng sức nâng của phương tiện sử dụng.
Khi sử dụng các bộ ván khuôn luân lưu, phải sử dụng luôn hệ thống xà gồ, cây chống, sàn thao tác và các phương tiện luân chuyển đồng bộ mới phát huy được ưu điểm.
Các tấm ván khuôn tiêu chuẩn được sản xuất có nhiều loại
- Ván khuôn luân chuyển làm bằng gỗ được chế tạo trong các nhà máy gỗ, hoặc các xưởng mộc gia công ở công trường. Một bộ ván khuôn loại này được sản xuất thành các mảng. Khi đưa ra công trường lắp thành khuôn đúc các bộ phận kết cấu của công trình.
- Ván khuôn luân chuyển bằng gỗ dán (hoặc ván ép) được sản xuất trong các nhà máy chế biến gỗ. Bề mặt ván khuôn tiếp giáp với bê tông nhẵn, phẳng. Phía không tiếp giáp với bê tông (phần ngoài) có hệ sườn, khung để tăng độ cứng cho mảng ván khuôn. Sử dụng hệ ván khuôn gỗ dán trong thi công có nhiều ưu điểm như: Gọn, nhẹ, dễ thao tác, vận chuyển; dễ tháo lắp; độ luân chuyển lớn, thường sử dụng được từ 25 – 40 lần.
- Ván khuôn luân chuyển bằng kim loại thường làm bằng sắt, bằng hợp kim. Làm bằng sắt nặng nên vận chuyển và lắp dựng khó khăn. Dùng hợp kim nhẹ làm các bộ ván khuôn luân chuyển rất phù hợp cho vận chuyển, lắp dựng. Các tấm ván khuôn kim loại được chế tạo định hình, có kích thước từ 1,2 – 1,8m chiều dài; chiều rộng từ 30 – 45cm, có hệ sườn cứng để giữ ổn định cho tấm và liên kết các tấm lại với nhau. Trọng lượng các tấm thường từ 20 - 40kg, với trọng lượng này rất thuận tiện cho việc chuyên chở, lắp dựng. Khi sản xuất, mặt ván khuôn tiếp giáp với bê tông được làm nhẵn, mặt còn lại được chế tạo thêm hệ sườn cứng. Dùng các tấm ván khuôn kim loại riêng lẻ này, ghép lại với nhau để tạo thành các hộp ván khuôn cột, cốp pha tường, cốp pha dầm, cốp pha sàn và các công trình khác.

 

VÁN KHUÔN NHỰA là một thành viên của Tổng kho cốp pha © 2014